Người tốt việc tốt

Công an thành phố Việt Trì làm tốt công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng
Cảm hóa, giáo dục những người có quá khứ lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là một việc làm mang đậm tính nhân văn. Để giúp những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, có việc làm ổn định, không mặc cảm, tự ti, có động lực để phấn đấu trở thành người công dân tốt, không tái phạm tội là việc làm vô cùng khó khăn, vất vả. Thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, thời gian qua, Công an TP Việt Trì đã có những việc làm cụ thể, thiết thực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nhiều người sau khi đi vào con đường lầm lỗi đã vượt qua mặc cảm, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và trở thành những người có ích cho xã hội.
           Thành phố Việt Trì hiện có gần 600 người đang trong diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Trong đó số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương là 460 người, thi hành án tại các xã, phường là gần 120 người. Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 80 của Chính Phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, đến nay thành phố Việt Trì đã xây dựng được 12 mô hình điển hình về công tác tái hòa nhập cộng đồng. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, Công an thành phố Việt Trì đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền các phường, xã cùng sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập với cộng đồng, phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử để những người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng.
            Sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, giúp mọi người thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác phòng ngừa tội phạm, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, nhiều địa phương đã làm tốt công tác này, điển hình như phường Dữu Lâu, TP Việt Trì. Là địa bàn có trên 20 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì là địa bàn khá phức tạp về ANTT. Ngay sau khi có kế hoạch của UBND Thành phố Việt Trì, được sự hướng dẫn của Công an thành phố Việt Trì, Công an phường Dữu Lâu đã tham mưu cho UBND phường và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người có lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù chưa tiến bộ tại cộng đồng dân cư, gắn với cuộc vận động "Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ". Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, lực lượng Công an phường đã phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi xóa đi mặc cảm, có công ăn việc làm ổn định. Lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tới từng hộ gia đình tiếp cận, động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tránh mặc cảm, tự ti, tìm và lựa chọn công việc phù hợp để họ xây dựng cuộc sống. Anh Lưu Mạnh Tiến, phường Dữu Lâu, thành Phố Việt Trì, chỉ vì một phút lầm lỗi đã phải mang bản án tù chung thân với tội danh "Cướp tài sản". Tưởng chừng như cuộc đời anh đã khép lại, song với sự nỗ lực, cố gắng, trong quá trình cải tạo, được sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ quản giáo và sự quyết tâm của bản thân, anh Tiến đã cải tạo tốt và 6 lần được Hội đồng đặc xá xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tương đương với 4 năm tù giam. Sau 16 năm cải tạo, đến năm 2012, anh Tiến được trả lại tự do. Trở về địa phương mang trong mình sự mặc cảm, tự ti và mất phương hướng không biết phải bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, anh đã được chính quyền địa phương, lực lượng công an đến tận nhà động viên, giúp đỡ và giới thiệu anh vào làm nghề cơ khí tại Công ty TNHH Hồng Lô, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì. Với tay nghề chắc và chăm chỉ lao động, anh Tiến được công ty chi trả mức lương 9 triệu đồng/tháng. Anh Lưu Mạnh Tiến chia sẻ: sau một phút lầm lỗi tôi thấy được giá trị của cuộc sống, của lao động. Khi được trở về địa phương, được mọi người giúp đỡ, tin tưởng, tôi rất vui và thấy mình cần cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin của mọi người.
          Mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng của công ty TNHH Hồng Lô không chỉ giúp đỡ anh Tiến có cơ hội làm lại bản thân mà còn là nơi nâng bước, giúp đỡ những người muốn hoàn lương, thấy được giá trị của cuộc sống, của lao động để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Anh Nguyễn Văn Thơm là một trường hợp như vậy. Trước đây anh Thơm từng mang bản án 27 tháng tù giam với tội danh tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Năm 2012, sau khi chấp hành xong án phạt tù  trở về địa phương, được sự giới thiệu và giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Thơm được nhận vào làm công nhân lái máy xúc cho công ty TNHH Hồng Lô và được công ty giúp đỡ trong suốt quá trình cai nghiện. Bản thân anh Thơm giờ đây đã dần từ bỏ được ma túy và quyết tâm làm lại cuộc đời. Những người từng mang án phạt tù như anh Tiến, anh Thơm, việc trở về hòa nhập với cộng đồng thật sự không đơn giản nếu không có sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của cả cộng đồng. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định thì sự chia sẻ, động viên của người thân, gia đình, những người xung quanh rất cần thiết để họ bớt đi sự mặc cảm và tự tin vươn lên trong cuộc sống. Hơn nữa sự giúp đỡ của chính quyền địa phương là cầu nối để những người từng mang án phạt tù có cơ hội hòa nhập với cộng đồng.
          Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là quá trình khó khăn cho chính bản thân người được tha tù và gia đình họ. Do vậy, để làm tốt công tác này bên cạnh sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng công an, thì thái độ đúng mực, không kỳ thị, không phân biệt đối xử của quần chúng nhân dân đối với người chấp hành xong án phạt tù sẽ tạo cơ hội, điều kiện để giúp những người một thời lầm lỗi thể hiện giá trị bản thân, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
                                                                                                                                                             Huyền Trang

Các tin đã đưa

ĐƯỜNG ĐÂY NÓNG
Trực ban 24/24: 069 2646 112
Cảnh sát phản ứng nhanh: 113
Cứu hỏa: 114
TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Số điện thoại: 0692 646 646
Email: catinh@phutho.gov.vn;
tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn
Website: http://pakn.dichvucong.gov.vn
Cơ quan tiếp nhận Phản ánh kiến nghị:
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Phú Thọ    (51 Trần Phú, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ).

PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập trong ngày: 811
Tổng số lượt truy cập: 12777863