An ninh trật tự

ĐẤU TRANH, NGĂN CHẶN CÁC HÀNH VI TUNG TIN SAI SỰ THẬT TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Thông tin “xấu”, “độc” trên mạng xã hội (MXH) gây tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc. Do vậy, nhận diện thông tin xấu, độc trên MXH, vạch trần và đấu tranh phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn của những đối tượng đưa thông tin xấu, độc trên MXH là việc làm cần thiết của mỗi người dân yêu nước...
 
Ảnh hưởng xấu từ những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội
Tháng 5/2019, thông tin sai sự thật về nam sinh lớp 10 tại một trường THPT ở Lâm Thao cùng lúc làm 4 bạn gái mang thai được các trang mạng xã hội và các tờ báo mạng đăng tải đã thu hút trên 80.000 lượt “like” và trên 70.000 lượt chia sẻ; thậm chí đã có 4 tờ báo mạng lấy thông tin này để đăng tải. Sự việc chỉ rõ ràng khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, khẳng định đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Hay như thời gian gần đây, trong lúc những cán bộ y tế tuyến đầu đang chiến đấu với dịch bệnh không quản ngày hay đêm; những CBCS Công an, bộ đội không quản ngại vất vả, nguy hiểm tham gia phòng chống dịch bệnh từ biên giới đến những khu vực cách ly… thì có những người chống dịch bằng bàn phím và “bơm” ra xã hội những thông tin thiếu tin cậy. Họ không ngần ngại sử dụng, thậm chí còn lợi dụng thông tin về dịch bệnh covid-19, liên tục cập nhật những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai, trích dẫn những con số hoặc đưa ra dự báo thiếu căn cứ, chuyên môn. Ngày 01/4/2020, Bùi Tiến An vào facebook  “Tiến An” thấy có bài viết với nội dung “có trường hợp Nguyễn Thị Lê người Vô Tranh (Hạ Hòa) từng tiếp xúc với bệnh nhân 209, sau đó về xã Mỹ Lung (Yên Lập) và Vô Tranh (Hạ Hòa), và đã cách ly nên mọi người đừng hoang mang”. Thấy vậy, An đã vào bình luận “Đã có kết quả dương tính rồi nhé, huyện Hạ Hòa đang vào Vô Tranh phun thuốc tại nhà Lê”. Đoạn bình luận trên đã có nhiều tài khoản khác vào bình luận và chia sẻ. Thông tin không có căn cứ của Bùi Tiến An đã khiến cho Nhân dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Codid-19 trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Công an huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ phát hiện trên mạng xã hội facebook có tài khoản mang tên Nguyễn Quang Trường đăng tải bài viết có nội dung “Vãi Đồng Sơn bị corona” thu hút nhiều lượt bình luận và chia sẻ... Những thông tin này đều đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, các thông tin giả sau khi xuất hiện thường được phát tán nhanh gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý .
Đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số... Tuy nhiên, tình trạng tin giả tràn lan trên mạng xã hội đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người; thậm chí gây hoang mang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn đến ANQG và TTATXH.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về tin giả, động cơ của tin giả là vì tiền, vì lý do chính trị, làm rối loạn xã hội, làm mất uy tín báo chí chính thống hoặc vui đùa quá trớn. Đặc biệt, tin giả ngày càng được thực hiện một cách tinh vi, chuyên nghiệp. Trong đó, các đối tượng tung tin giả thường dựa vào những sự kiện thời sự nóng bỏng để bịa đặt thông tin; từ câu chuyện thật nhưng giật tít sai sự thật, nội dung khác đi. Theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Tập đoàn Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. 
Theo Trung tá Đỗ Trung Hưng - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh cho biết: Fakenew (tin giả) là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội; xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, với nhiều mục đích khác nhau và không có bất cứ giới hạn nào. Nếu như trước đây, tin giả có thể mang tính hài hước hoặc giả tưởng thì giờ đây Fakenew với mục đích tăng lượng tiếp cận và gia tăng doanh thu hoặc trở thành một vũ khí về chính trị nhằm gia tăng gây ảnh hưởng, thậm chí tin giả trộn lẫn với tin thật để đánh lừa người đọc. Tin giả đã trở thành “đại dịch” và hoành hành trong thời đại bão CNTT hiện nay.
 

Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tung tin sai sự thật trên không gian mạng
Trước những tác động tiêu cực của thông tin giả, việc cấp thiết cần làm hiện nay là phải tăng cường quản lý và xử lý nghiêm những người vi phạm. Nhưng muốn không để bị tin giả dẫn dắt, quan trọng hơn vẫn phải là xây dựng ý thức người dân khi tham gia mạng xã hội. Trước hết, mỗi người cần có thái độ dứt khoát, không nghe và không tiếp tay phát tán thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng để tự mình "nâng sức đề kháng" trước các thông tin giả.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ công trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, Công an tỉnh Phú Thọ luôn nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước ta. Do đó, thời gian qua, lực lượng Công an đã chủ động tập trung đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng không gian mạng để đưa thông tin xấu độc, giả mạo thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Lực lượng Công an đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương xử lý hàng chục vụ việc có liên quan đến đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Năm 2023, 02 vụ với 02 trường hợp bị cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ xử lý VPHC vì  có hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải nội dung thông tin xuyên tạc sai sự thật khi chưa tổ chức đấu giá về biển kiểm soát ô tô 19A- 555.55 trên mạng xã hội; vi phạm quy định lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử với tổng số tiền phạt 15.000.000đ.
Mặc dù lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý đối với các đối tượng vi phạm; song, hậu quả của nhưng thông tin xấu, độc đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của người dân, thu hút số lượng lớn người quan tâm. Từ các vụ việc đã bị lực lượng chức năng xử lý thời gian qua cho thấy, mục đích của những người tung tin thất thiệt chỉ nhằm câu like, câu view, thể hiện bản thân, gây sự chú ý… Trở lại với vụ tung tin thất thiệt về năm sinh lớp 10 ở Phú Thọ làm 4 bạn gái mang thai, việc sử dụng tin chưa được kiểm chứng đã khiến 4 cơ quan báo chí, trang mạng bị Cục Báo chí xuất bản xử phạt tổng cộng 48 triệu đồng. Thông tin tuy được đính chính, nhưng ảnh hưởng tinh thần do tin đồn này gây ra cho nam học sinh và gia đình thì không thể bù đắp được.
 

Phương thức, thủ đoạn phổ biến hiện nay của đối tượng
Theo các cơ quan chức năng, ngoài những đối tượng người dùng Internet, MXH non kém về nhận thức, lợi dụng việc sử dụng thông tin giật gân, câu khách để tăng lượng like, lượng view nhằm tăng độ nổi tiếng, kiếm tiền trên mạng, thì các phần tử cơ hội chính trị, thù địch đã lợi dụng triệt để truyền thông xã hội để thực hiện ý đồ chống phá Nhà nước, chống phá cách mạng nước ta. Người dùng MXH cần tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng này để không bị mắc bẫy, lôi kéo. Thủ đoạn phổ biến của chúng là: 
Lợi dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội để lấy thông tin từ báo chí chính thống để cắt ghép với những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là đối với những vấn đề bức xúc, nổi cộm, dư luận quan tâm để thổi phồng những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nói xấu, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ở Trung ương, tỉnh và cơ sở nhằm làm giảm sút niềm tin trong đảng viên, nhân dân;
Lợi dụng những hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, đả kích, bôi nhọ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước;
Khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu độc, chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tác động đến tư tưởng, đạo đức và lối sống, tâm tư, tình cảm của các giai tầng xã hội... để thu hút lượng người truy cập, qua đó truyền bá các quan điểm, tư tưởng phản động…
Đó là những thủ đoạn không mới, nhưng chính sự dễ dãi, cả tin, kém hiểu biết, cùng tâm lý đám đông khi tham gia MXH của một bộ phận người tham gia, sử dụng đã vô tình cổ súy, tiếp tay tạo nên tầm ảnh hưởng và tác hại ghê gớm từ tin giả, tin xấu, độc trên MXH thời gian qua.

 
 Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tung tin sai sự thật trên không gian mạng trong thời gian tới.
Từ những thông tin đã nêu, cho thấy giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức và kỹ năng, để mỗi công dân trở thành một người dùng MXH thông thái, có “sức đề kháng” và khả năng phân biệt thông tin chính thống với thông tin xấu, độc là giải pháp cơ bản, quan trọng. Mỗi công dân hiện đang giữ một “chìa khóa” an ninh mạng của quốc gia, vì chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, bởi vậy cần thiết phải kiên trì xây dựng mỗi công dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận bảo đảm an ninh mạng, khi tiếp xúc với tin tức trên MXH, mỗi người cần kiểm chứng thông tin qua những nguồn khác nhau, bảo đảm thông tin tiếp nhận là đúng sự thật.
 Bên cạnh đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PCTP,  lực lượng Công an cần làm tốt công tác nắm tình hình từ xa, ngay tại cơ sở và trên không gian mạng, tập trung đấu tranh ngăn chặn và hạn chế thấp nhất tác động ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động lợi dụng không gian mạng để đưa thông tin xấu độc, giả mạo. Đồng thời, chủ động tham mưu đề xuất với các cấp, các ngành có nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng, trong đó tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt, thường xuyên chủ động, chủ trì, tích cực tham mưu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trước những hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước. Chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, các dấu hiệu “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, có khả năng nhận thức, phân tích, phân biệt, đánh giá thông tin chính thống với thông tin giả mạo, xuyên tạc.
Hai là, tổ chức tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn đưa thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng của các loại đối tượng làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân khi tham gia, tương tác, chia sẻ bình luận, hưởng ứng, bài viết trên các trang mạng xã hội có trách nhiệm trước bản thân, trước pháp luật. Đồng thời, đấu tranh phản bác những thông tin xấu độc, giả mạo... ; chủ động tương tác, chia sẻ, ủng hộ, tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực đối với những thông tin chính thống, góp phần đẩy lùi những thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng.
Ba là,  Tập trung đấu tranh với tội phạm mạng, khẩn trương làm rõ các tên miền, địa chỉ IP, xác minh hệ thống hạ tầng mạng khi bị tấn công mạng... sử dụng các biện pháp kỹ thuật đánh sập, vô hiệu hóa một số trang website, blog mà đối tượng thường xuyên đăng tải thông tin giả mạo, xấu độc của các tổ chức phản động lưu vong...
Năm là, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh quản lý, bố trí lực lượng theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của hệ thống mạng, các trang, cổng thông tin điện tử để phát hiện sơ hở, thiếu sót dẫn đến mất an ninh, an toàn thông tin mạng mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng để đưa các thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời./.
 
Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Phú Thọ

Các tin đã đưa

ĐƯỜNG ĐÂY NÓNG
Trực ban 24/24: 069 2646 112
Cảnh sát phản ứng nhanh: 113
Cứu hỏa: 114
TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Số điện thoại: 0692 646 646
Email: catinh@phutho.gov.vn;
tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn
Website: http://pakn.dichvucong.gov.vn
Cơ quan tiếp nhận Phản ánh kiến nghị:
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Phú Thọ    (51 Trần Phú, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ).

PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập trong ngày: 1128
Tổng số lượt truy cập: 12783500