An ninh trật tự

DẤU ẤN NƠI BẢN LÀNG
Nằm cách trung tâm huyện Thanh Sơn khoảng 40km về hướng Tây Bắc, Thượng Cửu được biết đến là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trong đó khu Sinh Tàn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống từng được biết đến là khu “Ba không”: “Không điện lưới quốc gia, không có sóng dịch vụ viễn thông, không nước sạch”, được ví như một ốc đảo giữa núi rừng đại ngàn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi triển khai lực lượng Công an chính quy về xã, lực lượng công an đã “bám bản”, thực hiện 4 cùng; Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến ANTT đã được giải quyết. Đến nay, lực lượng Công an xã đã trở thành “điểm tựa” tin cậy của đồng bào nơi đây.
Theo chân các chiến sỹ Công an xã Thượng Cửu chúng tôi có mặt tại khu Sinh Tàn vào một buổi chiều cuối đông năm 2023. Vừa trông thấy bóng dáng anh em cán bộ Công an xã đến bản, nhiều bà con đã gác lại công việc, chạy ra “tay bắt, mặt mừng” đón chào các anh như đón những người thân quen, ruột thịt. Những năm gần đây, đời sống của bà con khu Sinh Tàn ngày càng được nâng cao, bản Sinh Tàn nói riêng và xã Thượng Cửu nói chung đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Đặc biệt, từ khi có Công an chính quy “bám bản”, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Công an huyện Thanh Sơn tình hình an ninh trật tự tại địa phương được giữ vững ổn định, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, triệt để ngay tại cơ sở. Là người sinh ra và lớn lên tại khu Sinh Tàn, từng chứng kiến những bước chuyển mình của mảnh đất này, anh Đặng Văn Nội - Trưởng khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu không giấu được nỗi xúc động. Anh chia sẻ: “Trước đây đường xá đi lại khó khăn, mỗi lần trong khu có người ốm, phải có hai người dùng võng kiệu tre khiêng, “vượt núi, băng rừng” để đưa xuống trạm Y tế xã cấp cứu. Cũng có những trường hợp do không cấp cứu kịp thời nên được trả về gia đình”. Nhưng giờ Sinh Tàn đã thực sự thay da đổi thịt, khoác trên mình một sắc màu mới đẹp hơn, bề thế hơn. Khu đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi với mức thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ có nhà xây kiên cố tăng cao. Khu hiện có 73 hộ chỉ còn chưa đến 10 hộ nghèo; 30% số hộ có nhà xây kiên cố. Về tình hình an ninh trật tự, anh Nội cho biết: Sinh Tàn là khu người Dao có nguồn gốc từ huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, quá trình di canh, di cư, người dân nơi đây dần được hình thành qua nhiều thế hệ. Những năm trước đây tình trạng khai thác rừng trái phép và khai thác khoáng sản  trái phép diễn ra trên địa bàn xã khá phổ biến, phức tạp. Bên cạnh đó, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của bà con nơi đây, một số đối tượng phản động đã tìm cách móc nối, lôi kéo hoặc tìm cách tuyên truyền đạo trái phép vào vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, từ khi có Công an chính quy về xã, tình hình an ninh trật tự nơi đây đã hoàn toàn thay đổi, hình ảnh những đoàn người cùng máy cưa, máy xẻ lũ lượt kéo vào rừng chặt phá gỗ đã không còn, thay vào đó là những cánh rừng xanh thăm thẳm đến ngút tầm mắt.
 
Lực lượng Công an xã phối hợp với Đội An ninh, Công an huyện nắm bắt tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thanh Sơn

Nói đến Công an xã, anh Đặng Văn Nội tươi cười: “Cám ơn Bộ Công an, Công an tỉnh đã cử cán bộ về quê hương chúng tôi. Trước đây người dân tại bản Sinh Tàn gần như nhà nào cũng có dụng cụ săn bắn, nhiều loại vũ khí do người dân tự chế có tính sát thương cao. Sau khi được cán bộ Công an xã tuyên truyền, vận động, người dân trong bản đã hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật nên đã tự giác giao nộp hàng chục loại súng “hơi cồn” tự chế…không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn. Giờ đây, Sinh Tàn được ví như “Bản làng bình yên giữa đại ngàn núi rừng”.
 

Lực lượng Công an xã phối hợp già làng, trưởng bản tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối chính sách của Đảng
 
Xác định Thượng Cửu là địa bàn khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT, vì vậy khi thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, lãnh đạo Công an huyện Thanh Sơn đã rất trăn trở trong việc lựa chọn cán bộ. Theo đó, lãnh đạo Công an huyện Thanh Sơn đã lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm, từng công tác tại các lĩnh vực điều tra tội phạm, an ninh để bố trí về công tác tại địa bàn xã Thượng Cửu. Sau khi nhận nhiệm vụ, lực lượng Công an xã đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tập trung xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác và phân công cán bộ phụ trách địa bàn từng khu dân cư. Thiếu tá Đinh Đức Thuận - Trưởng Công an xã Thượng Cửu cho biết: Những ngày đầu về nhận công tác tại xã Thượng Cửu anh em Công an xã không khỏi trăn trở, bởi xã Thượng Cửu là địa bàn vùng núi nằm cách xa trung tâm huyện, điều kiện kinh tế và đường xá đi lại còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, làm việc thiếu thốn. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng 40 km, nhưng trên địa bàn xã còn rất nhiều phong tục lạc hậu. Tuy khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng từ khí lực lượng Công an chính quy về xã luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân, do đó lực lượng Công an xã đã nhanh chóng ổn định tổ chức. Khi phân công địa bàn phụ trách, anh đã nhận phụ trách khu Sinh Tàn, một bản làng không có điện lưới, mọi sinh hoạt của người dân dường như chỉ diễn ra vào ban ngày khi mặt trời mọc và chìm dần vào bóng đêm sau mỗi chiều hoàng hôn buông xuống. Cái khó nhất là bà con toàn nói tiếng dân tộc, nếu mình không hiểu tiếng dân tộc, không hiểu phong tục tập quán, sẽ rất khó để tuyên truyền vận động bà con.

Cắm bản, bám rừng
Với phương châm “Lấy dân làm gốc”, thiếu tá Đinh Đức Thuận và anh em cán bộ Công an xã Thượng Cửu luôn xác định, để tuyên truyền, vận động được bà con thì trước hết cán bộ Công an phải hiểu phong tục tập quán, thói quen, hiểu ngôn ngữ của bà con, nhưng quan trọng hơn là phải bằng những việc làm cụ thể để bà con trông thấy, từ đó mới tin tưởng để lắng nghe và tin theo. Do phong tục tập quán tại địa phương nên trước đây tình trạng chặt phá rừng còn diễn ra khá phổ biến, trước thực trạng đó, đòi hỏi mỗi cán bộ Công an xã phải chủ động làm tốt công tác nắm tình hình “đi trước, đón đầu”, làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cho bà con nhân dân. Để xoá đi rào cản ngôn ngữ nhiều cán bộ công an xã Thượng Cửu đã được lãnh đạo Công an huyện Thanh Sơn quan tâm cử đi học tiếng Mường, Dao. Công an xã đã tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt chế độ chính sách đối với bà con vùng đồng bào dân tộc. Quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ bà con được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ vật tư, con giống để bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Trong đó, lực lượng Công an đã tham mưu cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương huy động các nguồn xã hội hoá và mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường trạm phục vụ nhu cầu đi lại, khám chữa bệnh, học hành của bà con nơi đây. Trong công tác bảo đảm ANTT, lực lượng Công an xã đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, phối hợp với các đội nghiệp vụ của Công an huyện tập trung đấu tranh triệt phá những ổ nhóm, tụ điểm phức tạp gây mất ANTT. Đặc biệt, lực lượng Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời tham mưu giải quyết ổn định những vụ việc phức tạp phát sinh trong nhân dân, không để xảy ra những mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa bà con các dân tộc trên địa bàn xã. Trong việc tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến nhân dân, chỉ huy Công an xã luôn xác định, đây không những là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm với cán bộ Đảng viên, cán bộ Công an nói chung và Công an xã Thượng Cửu nói riêng. Lãnh đạo Công an huyện Thanh Sơn thường xuyên quan tâm chỉ đạo quyết liệt các nhiệm chính trị, chú trọng, tập trung chỉ đạo “làm hết việc, không làm hết giờ”. Phấn đấu xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân “Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Công an huyện đã chỉ đạo Công an xã phân công đồng chí Trung tá Phạm Trọng Hùng - Phó trưởng Công an xã phụ trách địa bàn thôn Sinh Tàn phải trực tiếp “bám bản” thường xuyên bám sát địa bàn cơ sở, tham mưu cấp uỷ chính quyền tìm cách “tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nơi đây”. Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Phạm Trọng Hùng - Phó trưởng Công an xã Thượng Cửu cho biết: “Trước thực trạng khai thác rừng và khai thác khoáng sản trái phép, Công an xã đã chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, nắm người, nắm đối tượng, quản lý chặt số đối tượng trong diện quản lý nghiệp vụ và số đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, từ đó có biện pháp đấu tranh. Ngoài ra, do trình độ dân trí chưa cao, nhận thức của người dân chưa đồng đều, nhiều thanh, thiếu niên nghỉ học sớm là đối tượng dễ bị lôi kéo, kích động. Trước thực trạng trên, Công an xã đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực tham mưu cấp uỷ chính quyền, tuyên truyền vận động, nhiều mô hình hay, cánh làm sáng tạo được triển khai, nhân rộng đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin có giá trị trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm”.
 

Công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chế độ chính sách đối với bà con vùng đồng bào dân tộc, triển khai các mô hình hỗ trợ vốn chăn nuôi
 
Giữ vững thế trận an ninh ngay tại cơ sở
Cùng với việc tham mưu giải quyết ổn định các vụ việc phức tạp ngay từ  cơ sở và đấu tranh triệt phá các ổ nhóm tụ điểm phức tạp về ANTT, trước đây một số phần tử phản động, cơ hội chính trị thường lợi dụng địa bàn huyện Thanh Sơn nói chung, trong đó có xã Thượng Cửu nói riêng, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống để tuyên truyền các tà, tạp đạo như: Đạo Hoàng Thiên Long, Hội thánh đức chúa trời mẹ, pháp luân công, hội năng lượng gốc trống đồng Việt Nam… nhằm lôi kéo, truyền bá tư tưởng chống phá chính quyền bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, sảo quyệt. Xác định rõ mục tiêu giữ vững an ninh chính trị ngay từ cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Công an huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ của Công an huyện phối hợp với Công an các xã, thị trấn trên địa bàn làm tốt công tác nắm tình hình, đồng thời chủ động phối hợp, cung cấp trao đổi thông tin với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh để triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn nhằm vô hiệu hoá hoạt động của các đối tượng. Đồng thời, Công an huyện đã chỉ đạo Công an các xã, thị trấn trên đia bàn chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết ổn định các vụ việc, vấn đề phức tạp phát sinh tại cơ sở liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, trong thực hiện chế độ chính sách hay khai thác tài nguyên khoáng sản, không để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
 
Các tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã được bê tông hóa góp phần thúc đẩy an sinh xã hội tại địa phương

Từ Nghị quyết đến hành động
Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Phú Thọ, Thanh Sơn có trên 61,5% đồng bào dân tộc sinh sống; 7/23 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau khi Đề án Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã được triển khai đã có hàng trăm tấm gương viết đơn xung phong “đi đầu” về tiếp quản địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, trong đó Thanh Sơn là trong những huyện đi đầu. Trước những khó khăn, thách thức đặt ra đối với lực lượng Công an chính quy sau khi tiếp nhận địa bàn cơ sở, Đảng uỷ - Lãnh đạo Công an huyện đã chủ động triển khai các nghị quyết cụ thể hoá thành hành động với khẩu hiệu “Cán bộ Công an huyện Thanh Sơn nêu gương, kỷ cương, tinh thần, trách nhiệm” triển khai đến 100% các xã thực hiện nghiêm túc.

Xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là công tác thường xuyên liên tục, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải “vừa chính, vừa chuyên”, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…”. Trước bối cảnh đó, bám sát các Chủ chương, Nghị quyết của Bộ Công an - Công an tỉnh, Đảng uỷ Công an huyện đã đưa ra nhiều giải pháp, phương hướng vào Nghị quyết của Công an huyện, đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các xã trọng điểm trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, mỗi xã phải có ít nhất từ 1-2 điều tra viên, cán bộ đã từng trải qua công tác tại các đội nghiệp vụ. Năm 2020, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy Công an các xã, dưới sự lãnh chỉ đạo quyết liệt của Đảng uỷ Ban Giám đốc Công an tỉnh, Lãnh đạo Công an huyện Thanh Sơn, đến nay hàng trăm vụ việc đã được lực lượng Công an các xã phối hợp các đội nghiệp vụ bóc gỡ, triệt phá góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn toàn huyện. Tổng kết công tác năm 2023, Thanh Sơn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua “Vì ANTQ”, vinh dự được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc.
  Trung tá Phùng Đức Hùng
Trưởng Công an huyện Thanh Sơn
 
 
 
 
 

Các tin đã đưa

ĐƯỜNG ĐÂY NÓNG
Trực ban 24/24: 069 2646 112
Cảnh sát phản ứng nhanh: 113
Cứu hỏa: 114
TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Số điện thoại: 0692 646 646
Email: catinh@phutho.gov.vn;
tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn
Website: http://pakn.dichvucong.gov.vn
Cơ quan tiếp nhận Phản ánh kiến nghị:
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Phú Thọ    (51 Trần Phú, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ).

PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập trong ngày: 904
Tổng số lượt truy cập: 12782850