Cải cách hành chính

“Thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú và vai trò của khu dân cư” (22/11/2022)
Để đảm bảo mọi người dân nắm rõ các quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cũng như vai trò của khu dân cư trong công tác quản lý cư trú, chúng tôi trân trọng thông báo như sau:
1. Thủ tục Đăng ký thường trú
          - Luật cư trú 2020 và Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định công dân đăng ký thường trú phải chứng minh chỗ ở hợp pháp và diện tích tối thiểu là 8m2 sàn/ người. Như vậy trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất bắt buộc phải có thông tin về nhà ở và diện tích mặt sàn sử dụng. Hiện nay trên địa bàn đa phần người dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có thông tin về nhà ở gắn liền trên đất, những trường hợp này khi đăng ký thường trú bắt buộc phải có văn bản lấy xác nhận của UBND cấp xã về việc sở hữu nhà ở trên đất và diện tích mặt sàn mới đủ điều kiện đăng ký thường trú.
          - Theo Điều 38 Luật cư trú thì việc quản lý cư trú thực hiện trên hệ thống dữ liệu Quốc gia về dân cư, trong đó Trưởng Công an xã là Thủ trưởng Cơ quan quản lý cư trú, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy còn hiệu lực đến ngày 31/12/2022. Khi công dân thực hiện các thay đổi thông tin liên quan đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì Công an xã sẽ tiến hành thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Các giao dịch dân sự, thủ tục của công dân liên quan đến cư trú được Công an xã cấp xác nhận thông tin về cư trú ( kể cả trường hợp thường trú, tạm trú ở địa bàn khác trên lãnh thổ Việt Nam) theo biểu mẫu CT07 của Bộ Công an, biểu mẫu này công dân sử dụng có giá trị thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
          - Theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật cư trú thì nơi thường trú là nơi công dân thường xuyên sinh sống và đã đăng ký thường trú. Do đó, Luật cư trú quy định bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú đối với công dân ra nước ngoài để định cư, công dân vắng mặt liên tục 12 tháng tại nơi đăng ký thường trú mà không khai báo tạm vắng, không đăng ký tạm trú tại chỗ ở hiện tại. Việc xóa đăng ký thường trú dẫn đến nhiều hệ lụy cho công dân như: Không xác lập được các giao dịch dân sự; Bị áp dụng biện pháp tạm giam nếu vi phạm pháp luật tố tụng hình sự; Bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc nếu thuộc trường hợp nghiện ma túy mà không phải thông qua hình thức giáo dục tại cấp xã…
          - Quy trình thực hiện các thủ tục về đăng ký thường trú hiện thực hiện trên hệ thống phần mềm nối mạng nội bộ của Bộ Công an, được bảo quản ở chế độ Tuyệt mật nên đối với các công dân chưa kê khai dữ liệu Quốc gia về dân cư ( phiếu DC01 đều không thể thực hiện được các thao tác).
          - Công dân tự lựa chọn nơi đăng ký thường trú và đến Công an xã nơi đăng ký thường trú mới để làm thủ tục đăng ký thường trú, không phải đến nơi đăng ký thường trú cũ để xin cấp giấy chuyển hộ khẩu. Mọi thủ tục liên quan đến nơi đăng ký thường trú cũ đều được Công an xã thực hiện trên hệ thống phần mềm dữ liệu dân cư Quốc gia.
          - Các trường hợp có sự thay đổi thông tin về chủ hộ do thay đổi nơi thường trú, chết, mất tích, tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì các thành viên trong hộ phải làm văn bản đề cử chủ hộ và đến Công an xã thực hiện thủ tục thay đổi về chủ hộ. Nếu không thay đổi về chủ hộ thì các thủ tục xác nhận thông tin cư trú, các thủ tục về cư trú liên quan đến hộ đó đều không thực hiện được.
          - Các trường hợp đã đăng ký thường trú ở địa bàn nhưng lại sinh sống, kinh doanh, buôn bán...ở địa điểm khác nơi đăng ký thường trú trên cùng địa bàn (ví dụ công dân Nguyễn Văn A đăng ký thường trú tại khu 1, xã A nhưng lại mở cửa hàng buôn bán và sinh hoạt ở khu 5, xã A) thì đều phải đến Công an xã để điều chỉnh thông tin về cư trú.
          - Luật cư trú quy định đối với các trường hợp đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp tại địa phương nhưng sau đó lại chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác thì thuộc trường hợp bị xóa đăng ký thường trú nếu chủ sở hữu mới không đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú tại chỗ ở đã chuyển nhượng.
          - Chỗ ở bị cấm cư trú gồm:
          + Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định pháp luật.
          + Chỗ ở có toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật thì phối hợp với Công an xã lập biên bản vi phạm, xử lý vi phạm để Công an xã làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
          + Chỗ ở đã có Quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyến sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định pháp luật.
          + Chỗ ở đã bị tịch thu hoặc có quyết định phá dỡ của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Thủ tục đăng ký tạm trú
          - Luật cư trú năm 2020 mở rộng hơn quy định về cư trú, công dân chỉ cần chứng minh chỗ ở hợp pháp, đủ điều kiện sinh sống thường xuyên từ 30 ngày trở lên thì được đăng ký tạm trú.
          - Giấy tờ chứng minh chổ ở hợp pháp khi tạm trú gồm:
          + Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất do Cơ quan có thẩm quyền cấp ( trong đó bắt buộc phải có thông tin về nhà ở).
          + Hợp đồng về mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của Cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng văn bản phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.
          * Lưu ý:
          + Đối với trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có thông tin về nhà ở thì công dân đến UBND xã xin xác nhận có nhà ở trên đất và diện tích mặt sàn nhà ở gắn liền với đất.
          + Đối với người tạm trú là người chưa thành niên mà chỗ ở tạm trú khác với chỗ ở của cha, mẹ thì phải có văn bản đồng ý cho tạm trú của cha, mẹ.
          Tất cả công dân ở địa bàn khác khi đến ở tại địa phương đều phải thực hiện thông báo lưu trú, thời điểm thực hiện thông báo lưu trú là thời điểm bắt đầu để xác định thời hạn 30 ngày trong thủ tục đăng ký tạm trú. Các trường hợp đăng ký tạm trú lần đầu mà không thông báo lưu trú sẽ không được xem xét giải quyết tạm trú theo quy định.
          3. Vai trò của khu dân cư
          Căn cứ các quy định của pháp luật về cư trú, Ban ANTT và các Tổ liên gia tự quản cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an cơ sở để thực hiện một số nội dung như:
          1. Tiến hành rà soát, thông tin tới các trường hợp có công dân đang ở nước ngoài đến Công an xã xuất trình các giấy tờ liên quan đến việc ở nước ngoài để giữ đăng ký thường trú cho công dân.
          2. Tiến hành rà soát các trường hợp đã được cấp căn cước công dân nhưng thông tin trên căn cước công dân bị sai lệch, hướng dẫn công dân đến Công an xã để làm các thủ tục cấp đổi căn cước công dân.
          3. Tiến hành rà soát các trường hợp đăng ký thường trú và ở tại những nơi bị cấm cư trú ( đặc biệt các trường hợp ở trên đất lấn chiếm, xây dựng trái phép…), hướng dẫn công dân đến Công an xã để xuất trình các giấy tờ liên quan đến chỗ ở, nếu không sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
          4. Tiến hành rà soát các trường hợp có đăng ký thường trú ở địa phương nhưng đi khỏi địa phương từ 12 tháng trở lên, hướng dẫn thân nhân các trường hợp này đến Công an xã khai báo về công dân đi khỏi địa phương, nếu không sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
          5. Tiến hành rà soát các trường hợp ở địa phương khác đến ở trên địa bàn, hướng dẫn những người này đến Công an xã để làm thủ tục khai báo lưu trú, nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
          6. Tiến hành rà soát, yêu cầu các công dân đăng ký thường trú ở một địa điểm nhưng lại kinh doanh, buôn bán, sinh sống ở một địa điểm khác trên địa bàn xã đến Công an xã để thay đổi thông tin về cư trú, nếu không sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
          7. Tiến hành rà soát các trường hợp công dân thường trú nhưng đi vắng khỏi địa bàn, hướng dẫn thân nhân các trường hợp này đến Công an xã để làm thủ tục cập nhật thông tin về cư trú, nếu không thì qua 12 tháng sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Công an huyện Đoan Hùng

Các tin đã đưa

ĐƯỜNG ĐÂY NÓNG
Trực ban 24/24: 069 2646 112
Cảnh sát phản ứng nhanh: 113
Cứu hỏa: 114
TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Số điện thoại: 0692 646 646
Email: catinh@phutho.gov.vn;
tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn
Website: http://pakn.dichvucong.gov.vn
Cơ quan tiếp nhận Phản ánh kiến nghị:
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Phú Thọ    (51 Trần Phú, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ).

PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập trong ngày: 45
Tổng số lượt truy cập: 2362466