Công tác chấp hành pháp luật trong các cơ sở giam giữ, hỗ trợ hướng nghiệp tái hòa nhập cộng đồng (11/11/2024)
Nhằm đảm bảo môi trường giam giữ nhân văn, thân thiện, giúp phạm nhân có thêm niềm tin để nỗ lực cải tạo tốt, thời gian qua, Công an tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; làm tốt công tác quản lý giam giữ, cũng như công tác thi hành án phạt tù, đảm bảo chế độ, chính sách cho can, phạm nhân. Đồng thời để giúp đỡ những mảnh đời lầm lỡ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, tái hòa nhập cộng đồng khi chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng nhiều mô hình, hỗ trợ hướng nghiệp đồng hành cùng họ trên con đường hoàn lương.
Bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh, Trại tạm giam Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo can phạm nhân, bảo đảm an toàn tuyệt đối cơ sở giam giữ, góp phần tích cực cùng các lực lượng giữ vững ANTT trên địa bàn. Thấu hiểu tâm lý lo lắng, mặc cảm, thiếu tự tin của can phạm nhân trong những ngày đầu bị giam giữ, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho can phạm nhân về các điều luật liên quan đến công tác thi hành án hình sự và các văn bản có liên quan về quyền, nghĩa vụ và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với can phạm nhân gắn với tuyên truyền đường lối, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Trong năm 2024, Trại tạm giam Công an tỉnh đã tổ chức gần 100 buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho trên 140 lượt phạm nhân đang chấp hành án.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám thị, Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Trại tạm giam Công an tỉnh hiện quản lí hơn 60 phạm nhân đang chấp hành án tại phân trại quản lí phạm nhân. Trong thời gian qua chúng tôi đã chỉ đạo phân trại quản lí phạm nhân hàng tuần, hàng tháng xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, cũng như chấp hành nội quy, quy định của Trại. Xây dựng kế hoạch học tập, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân một cách nghiêm túc; thực hiện nắm bắt diễn biến tình hình phạm nhân, động viên phạm nhân chấp hành tốt các nội quy, quy định của Trại. Trong các đợt xét giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá, có nhiều phạm nhân được đặc xá theo quy định của pháp luật”.
Phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ được cán bộ quản giáo giáo dục lao động, dạy nghề, định hướng nghề nghiệp nhằm trang bị kỹ năng lao động đáp ứng nhu cầu cuộc sống khi chấp hành xong hình phạt tù, ngăn ngừa tái phạm tội Cùng với việc tăng cường các biện pháp giáo dục, cảm hóa can phạm nhân, Trại tạm giam đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ đối với can phạm nhân theo quy định. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe đối với can phạm nhân, không để xảy ra trường hợp xâm phạm đến tính mạng, nhân phẩm, sức khoẻ của người bị giam giữ. Việc thực hiện chế độ đối với can phạm nhân được thực hiện đúng quy định của Nhà nước; giải quyết kịp thời việc thăm gặp, gửi quà cho can phạm nhân, qua đó giúp can phạm nhân yên tâm lao động, cải tạo, chấp hành tốt nội quy giam giữ, hiệu quả công tác giáo dục, cảm hóa ngày càng được nâng lên.
Nhằm hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm ổn định, Trại tạm giam Công an tỉnh đã tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giáo dục lao động, dạy nghề... nhằm trang bị cho phạm nhân những kiến thức pháp luật, kỹ năng lao động, định hướng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu cuộc sống khi chấp hành xong hình phạt tù, ngăn ngừa tái phạm tội.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.700 người CHXAPT trở về địa phương. Trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ số người này, lực lượng Công an đã chủ động tham mưu cho UBND các cấp thực hiện các biện pháp bảo đảm THNCĐ đạt hiệu quả, như: Tham mưu chính quyền các cấp thực hiện tốt Quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT tại địa phương; chỉ đạo công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, cá nhân điển hình về THNCĐ; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội và quần chúng Nhân dân tham gia công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT, gắn nội dung công tác này trong công tác Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở. Hiện, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 24 mô hình điển hình về tái hòa nhập cộng đồng, 24 cá nhân điển hình tiên tiến trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, 29 gương người chấp hành xong án phạt tù tiến bộ tiêu biểu.
Trung tá Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Cảnh sát THAHS và HTTP đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho 192 người CHXAPT được học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng chính sách của tỉnh, của huyện và Công an các huyện, thành, thị tiếp tục rà soát số người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và từ khi thực hiện Quyết định số 22 đến nay đã có 204 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội hoặc các quỹ khác của địa phương, với tổng số tiền 18.245.000.000đ để phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh”.
Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT là thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ những người được ra tù cả về phương diện vật chất, tinh thần để họ có thể hòa nhập vào đời sống cộng đồng có cuộc sống ổn định, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật, nên công tác này vừa là hoạt động quản lý Nhà nước, đồng thời là một hoạt động mang tính xã hội. Vì vậy, đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức và toàn xã hội, trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Hiện, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 24 mô hình điển hình về THNCĐ, 24 cá nhân điển hình tiến tiến trong việc giúp đỡ người CHXAPT, 29 gương người CHXAPT tiến bộ tiêu biểu.
Bằng nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực, việc thực hiện công tác THNCĐ cho người CHXAPT trở về địa phương đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong tham gia giáo dục, giúp đỡ họ, góp phần hạn chế tỷ lệ tái phạm tội, vi phạm pháp luật, tình hình ANTT được giữ vững ổn định./.
Phương Thu