Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và Kế hoạch số 4008/KH-UBND, ngày 12/10/2023 của UBND tỉnh Phú Thọ, Công an huyện Hạ Hòa đã tham mưu với chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Công an huyện đã xây dựng kế hoạch số 1876/KH-CAH(THA), ngày 21/10/2023 triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg và triển khai các giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cho Công an các xã, thị trấn, các đội nghiệp vụ của Công an huyện trong tổ chức triển khai thực hiện.
(Cán bộ Công an huyện Hạ Hòa hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù
tiếp cận vay vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ)
Hiện trên địa bàn huyện Hạ Hòa có 127 người chấp hành xong án phạt tù. Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Hạ Hoà luôn nhận được sự quan tâm và vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, do đó 100% người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương được tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ, tư vấn, hướng nghiệp học nghề. Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Hạ Hòa đã hướng dẫn Công an các xã thị trấn rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã có 23 người chấp hành xong án phạt được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hạ Hòa với tổng số tiền là 1.910.000.000đ (Một tỷ chín trăm mười triệu đồng). Số vốn vay được sử dụng đúng mục đích không có trường hợp nào vi phạm quy định về vay vốn.
(Người chấp hành xong án phạt tù được Ngân hàng Chính sách Xã hội
huyện Hạ Hòa cho vay vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ)
Qua một năm triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả hết sức tích cực, được nhân dân ủng hộ, đáp ứng kịp thời giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm thu nhập ổn định, góp phần giải quyết an sinh xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế. Chính sách vay vốn còn là cầu nối để cán bộ, tình nguyện viên ở cơ sở tiếp xúc dễ dàng, gần gũi hơn với nhóm người yếu thế, từ đó giáo dục, động viên giúp họ xóa bỏ tâm lý tự ty, có điều kiện thuận lợi để sửa chữa sai lầm, hoàn thiện bản thân. Nhiều trường hợp sau khi vay vốn đã mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, làm giầu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Điển hình trường hợp anh Vũ Xuân T, sinh năm 1995, KHTT: Khu 3 xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cùng gia đình sau khi vay vốn đã đầu tư chăn nuôi lợn, gà phát triển kinh tế đến nay gia đình đã có thu nhập ổn định.
(Anh Vũ Xuân T cùng bố đẻ là ông Vũ Văn H chăm sóc mô hình chăn nuôi lợn)
Tuy đã có giải pháp, song công tác giúp đỡ người hoàn lương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do nhận thức của cấp uỷ, chính quyền một số địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo sâu sát; một số người sau khi vay vốn chưa lựa chọn được những ngành nghề đầu tư phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để công tác tái hoà nhập cộng đồng muốn đạt kết quả cao rất cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng bằng những biện pháp thiết thực, tích cực như: Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục kiến thức, nâng cao vai trò trách nhiệm, sự nhiệt tình của cá nhân, tổ chức trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp người chấp hành xong án phạt tù; đa dạng hoá các biện pháp hỗ trợ về kiến thức pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề; chú trọng đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận và tạo việc là; điều quan trọng là làm sao để người chấp hành xong án phạt tù tự nhận thức được trách nhiệm để tích cực hoàn lương trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng.
Công an Hạ Hoà