An ninh trật tự

Tăng cường nhận diện, đấu tranh trước những chiêu trò phá hoại hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của các thế lực thù địch
Bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã, đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong đó, những nội dung chống phá mà các đối tượng xấu đang tiến hành có thể kể đến là:

Thứ nhất, tuyên truyền xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử.

Sau các hoạt động phá hoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thời gian gần đây, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện hàng loạt thủ đoạn nhằm phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trên các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị như: Việt Tân, Đài Á châu Tự do, Quỹ người Thượng, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Triều đại Việt… đã liên tục đăng tải, chia sẻ những bài viết, bài phỏng vấn chứa đựng nội dung tiêu cực, không đúng về công tác bầu cử đại biểu Quốc hộiHội đồng nhân dân các cấp ở nước ta. Các đối tượng xấu đưa ra luận điệu hết sức sai lệch và thâm hiểm với những luận điệu như: “Tại sao phải tốn tiền thuế của dân cho cuộc bầu cử không lợi ích cho người dân”; “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử” v.v…

Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng thư điện tử phát tán các tài liệu phản động với tiêu đề: “Hiến pháp Việt Nam năm 2021”, “Giải trình Hiến pháp Việt Nam năm 2021”… để kích động số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước thành lập các hội, nhóm, lôi kéo người dân tham gia chống phá bầu cử, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự. 
Thứ hai, “làn sóng” tự ứng cử của các “nhà dân chủ” và một số văn nghệ sĩ biến chất
Một chiêu trò khác mà các tổ chức phản động thường sử dụng trước những cuộc bầu cử là hô hào, cổ vũ phong trào “ứng cử tự do”. Các ứng viên này như thế nào thì ai cũng có thể thấy rõ, toàn những đối tượng coi việc “tự ứng cử” là một trò kiếm cơm mới để hành nghề “dân chủ”. Đối tượng nào có hoạt động chống phá càng quyết liệt thì càng “nổi”, dễ dàng nhận được các “giải thưởng nhân quyền”, kêu gọi sự chống lưng, giúp sức của các tổ chức bên ngoài và kèm theo đó là tiền hỗ trợ cho hoạt động chống đối của các tổ chức này. Có thể thấy rõ bản chất của những “nhà dân chủ” này là khi bị loại thì lấy cớ để xuyên tạc công tác bầu cử, chê bai, công kích thể chế, công kích Đảng, công kích Nhà nước rồi đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”.Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử và xa hơn nữa là chống phá chính trị, phá hoại sự đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ
Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành đang lan truyền những bài viết “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Bên cạnh đó, các thế lực phản động, chống đối cũng tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử, cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để cách đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong.
Nhận diện và đấu tranh
Có thể khẳng định, những luận điệu, nhận định mà các đối tượng chống đối chính trị, phản động đang rêu rao trên là hoàn toàn sai sự thật. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp nước ta quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
 

Về mặt thực tiễn, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng Cộng sản, chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống cho sự suy yếu của đất nước. Đảng lãnh đạo bầu cử không phải là làm thay, không bao biện, không khuynh loát trong bầu cử.
Ngày 20-6-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bộ Chính trị xác định rõ công tác bầu cử diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức như: sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế; hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta của các thế lực thù địch v.v... Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là điều cần thiết để củng cố, đoàn kết thống nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Mặt khác, những người tham gia ứng cử Đại biểu Quốc Hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước hết phải là những người trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm… Và đây là điểm mà không “nhà dân chủ” nào có được khi “tự ứng cử”!
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp luôn là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và mỗi người dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc Hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kịp thời cung cấp các thông tin về công tác chuẩn bị và quá trình bầu cử, qua đó giúp người dân có điều kiện tiếp cận các thông tin chính thống; hạn chế ảnh hưởng của những thông tin sai trái, xấu độc. Phát huy vai trò của các lực lượng chuyên trách về quản lý an ninh thông tin mạng; chủ động xây dựng các phương án xử lý và xử lý kiên quyết, kịp thời các đối tượng chống phá, phá hoại bầu cử; những cá nhân, tổ chức xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử...
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, kịp thời phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động. Tích cực chia sẻ các thông tin cần thiết có liên quan đến hoạt động trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử bầu cử; tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động trên không gian mạng của các thế lực thù địch./.
Phòng Tham mưu
 

Các tin đã đưa

ĐƯỜNG ĐÂY NÓNG
Trực ban 24/24: 069 2646 112
Cảnh sát phản ứng nhanh: 113
Cứu hỏa: 114
TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Số điện thoại: 0692 646 646
Email: catinh@phutho.gov.vn;
tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn
Website: http://pakn.dichvucong.gov.vn
Cơ quan tiếp nhận Phản ánh kiến nghị:
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Phú Thọ    (51 Trần Phú, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ).

PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập trong ngày: 429
Tổng số lượt truy cập: 12742019