Tuyên truyền, phổ biến kiến thức AN, ATTT

Giới thiệu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam


1. Sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật
1.1. Cơ sở chính trị

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách đó.

1.2. Cơ sở pháp lý
- Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”…
1.3. Cơ sở thực tiễn
Qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu của tình hình thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể như sau:
a) Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- Khoản 1 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định “Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng”. Như vậy, theo quy định trên thì người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nuớc phải trực tiếp thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; do vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cần bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.
- Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi, cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Như vậy, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Để tạo điều kiện thuận lợi công dân trong việc thực hiện đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử cần nghiên cứu, bổ sung quy định này vào Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
- Điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định giấy tờ liên quan đến cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, nên các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không cần thiết phải đề nghị công dân cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Ngoài ra, khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định thủ tục báo mất hộ chiếu của công dân chưa có quy định báo mất trên môi trường điện tử và chưa phân cấp triệt để cho Công an các cấp trong thực hiện thủ tục tiếp nhận đơn báo mất hộ chiếu của công dân. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Quyết định nêu trên.
Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là đơn vị chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú theo phân công của Chính phủ (Điều 45); Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú (Điều 46). Như vậy cùng một vấn đề ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân nhưng có 02 Bộ chủ trì nên cần phải điều chỉnh lại, theo hướng chỉ giao một Bộ chủ trì. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo hướng quy định Bộ Công an chủ trì thực hiện đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú để phù hợp với phạm vi chức năng của Bộ Công an và đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
- Thời gian qua, tình trạng công dân đề nghị cấp hộ chiếu khi đến hẹn nhận kết quả nhưng không đến nhận hộ chiếu. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (Điều 27) đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả để bảo đảm hiệu quả công tác cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nói riêng, công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam nói chung.
- Điều 18 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã quy định các trường hợp được cấp hộ chiếu rút gọn, tuy nhiên, chưa bao hàm được nhiều diện đối tượng không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như: người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân… Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
b) Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- Qua thực tiễn thi hành cho thấy Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) đã có những quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư…, trong đó, đặc biệt là việc luật hóa chính sách thị thực điện tử sau thời gian thí điểm. Tuy nhiên, các quy định sửa đổi, bổ sung của Luật năm 2020 có hiệu lực vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Việt Nam đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng chống dịch, do đó, hiệu quả trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của các chính sách còn hạn chế. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là cần thiết.
Với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, dự báo lượng người nước ngoài nhập cảnh sẽ tăng, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh) sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập xuất cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, cần thiết bổ sung, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn là hết sức cần thiết để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
2. Các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật
2.1. Sửa đổi 12 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (viết gọn là Luật số 49); tập trung vào 02 nhóm nội dung.
- Nhóm nội dung sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử.
- Nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
2.2. Sửa đổi 08 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) (viết gọn là Luật số 47), tập trung vào 02 nhóm nội dung sau:
- Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật số 47 để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam.
- Nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
B.B.T
 
ĐƯỜNG ĐÂY NÓNG
Trực ban 24/24: 069 2646 112
Cảnh sát phản ứng nhanh: 113
Cứu hỏa: 114
TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Số điện thoại: 0692 646 646
Email: catinh@phutho.gov.vn;
tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn
Website: http://pakn.dichvucong.gov.vn
Cơ quan tiếp nhận Phản ánh kiến nghị:
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Phú Thọ    (51 Trần Phú, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ).

PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập trong ngày: 27
Tổng số lượt truy cập: 12370842