An ninh trật tự

Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội
Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến không gian mạng có chiều hướng gia tăng. Công an tỉnh Phú Thọ cảnh báo đến người dân 3 phương thức, thủ đoạn lừa đảo chủ yếu của tội phạm như sau:
1. Phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, tín dụng đen
Các đối tượng cho vay thường hoạt động dưới hình thức những tiệm cầm đồ, công ty tài chính, việc cho vay tiền được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác như: cầm cố thế chấp tài sản, thế chấp nhà, mua hàng trả góp có giá trị lớn sau đó về bán lại cho chúng; các đối tượng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản... với lãi suất thấp, đúng bằng với quy định của nhà nước, nhưng trên thực tế, người vay phải trả lãi suất rất cao, có khi lên tới 40%/tháng. Các khoản vay “tín dụng đen” sẽ tăng theo cấp độ “lãi mẹ đẻ lãi con”, trong một thời gian ngắn con nợ sẽ khó có khả năng thanh toán. Nếu đến hạn mà người vay không trả tiền thì các đối tượng sẽ cho người gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến nhà chửi bới, đe dọa, tạt sơn hoặc các chất bẩn vào cổng, cửa, đánh đập, khủng bố tinh thần, đập phá tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.
 
2. Phương thức, thủ đoạn lừa huy động vốn, vay tiền với lãi suất cao
Thủ đoạn phổ biến của đối tượng vay, huy động tiền, tài sản là tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có, có uy tín trong kinh doanh... để lấy lòng tin của người cho vay, đối tượng trả lãi suất cao đều đặn và uy tín trong thời gian đầu, sau đó vay tiền của người sau trả lãi cho người vay trước theo hình thức vòng quanh; tìm cách che đậy mục đích vay tiền và cố gắng thu hút sự tham gia của nhiều người. Đến khi lượng tiền vay được đã hết thì đối tượng bỏ trốn hoặc tuyên bố phá sản, vỡ nợ... Trước khi bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ, những đối tượng này tìm mọi cách để tẩu tán hoặc che giấu tài sản đã chiếm đoạt như bán, chuyển nhượng tài sản cho người khác, gửi tiền vào ngân hàng, chuyển tiền ra nước ngoài... nhằm trốn tránh pháp luật và người cho vay. Thường các giao dịch này không có hợp đồng cụ thể mà chỉ bằng giấy tờ viết tay hoặc chỉ bằng lời nói nên khó khăn cho công tác xử lý.

3. Phương thức, thủ đoạn lừa đảo cho vay nhanh với lãi suất thấp
Thủ đoạn của các đối tượng là dụ dỗ người dân vay vốn với lãi suất hấp dẫn, từ mức 0,5-0,7%/tháng. Sau khi trao đổi qua điện thoại, mạng xã hội, đối tượng lừa đảo hướng dẫn nạn thân nhiều thao tác đăng ký thông tin vay vốn gồm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, số điện thoại, tài khoản ngân hàng… Mục đích là làm cho nạn nhân tin tưởng hồ sơ vay đang được thực hiện. Sau đó các đối tượng yêu cầu bị hại nộp một khoản tiền để chứng minh số tài khoản đăng ký nhận tiền giải ngân là đúng với thông tin của bị hại. Số tiền phí này đối tượng giải thích là sẽ hoàn lại cho bị hại ngay sau khi được ngân hàng giải ngân nhằm tăng lòng tin của khách hàng khi chuyển tiền cho đối tượng. Sau lần thứ nhất chiếm đoạt tài sản, đối tượng lấy nhiều lý do khác nhau như: số tài khoản bị hại có sai sót, tài khoản bị phong tỏa nên phải mở khóa, người vay dính nợ xấu nên phải nộp thêm tiền để xóa nợ xấu, thông tin tài khoản bị hại không khớp, tiền nộp vào liên quan đến hoạt động đánh bạc, phạm pháp… để yêu cầu bị hại nộp thêm tiền. Nếu bị hại không nộp thêm phí thì sẽ mất phí đã nộp để xác thực tài khoản trước đó. Các khoản tiền lệ phí với lý do trên đều bị các đối tượng chiếm đoạt và không giải ngân khoản vay như đã cam kết.
Huyền Trang

Các tin đã đưa

ĐƯỜNG ĐÂY NÓNG
Trực ban 24/24: 069 2646 112
Cảnh sát phản ứng nhanh: 113
Cứu hỏa: 114
TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Số điện thoại: 0692 646 646
Email: catinh@phutho.gov.vn;
tiepnhanphananhkiennghi@mps.gov.vn
Website: http://pakn.dichvucong.gov.vn
Cơ quan tiếp nhận Phản ánh kiến nghị:
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Phú Thọ    (51 Trần Phú, Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ).

PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập trong ngày: 231
Tổng số lượt truy cập: 12667568